Bản chất hiện tượng Di_truyền_ngoài_nhiễm_sắc_thể

  • Nhiễm sắc thể

Tế bào của sinh vật có thể có nhân tế bào với màng bao bọc (như ở tế bào nhân thực), hoặc không có màng nhân (như tế bào nhân sơ), nhưng thường có nhiễm sắc thể.
- Ở mỗi tế bào nhân thực có nhiều nhiễm sắc thể mà mỗi nhiễm sắc thể là một bào quan chứa một phân tử ADN kết hợp phức tạp với his-tôn.
- Ở mỗi tế bào nhân sơ thì chỉ có một nhiễm sắc thể là phân tử ADN trần (không có his-tôn) dạng vòng, lớn nhất nằm ở vùng nhân (nucleoid) mà ta dịch là ADN-nhiễm sắc thể.[7] Các phân tử ADN vòng khác nhỏ hơn nhiều, có nhiều loại: plas-mit, transposons, integrons, replicon.[8]
Sự di truyền các gen ở trên nhiễm sắc thể (hoặc ADN-nhiễm sắc thể) sang thế hệ sau gọi là di truyền nhiễm sắc thể (chromosomal inheritance) hoặc di truyền qua nhân.
Sự truyền gen hoặc vật chất mang gen ở tế bào chất sang thế hệ sau thì gọi là di truyền ngoài nhiễm sắc thể (hay di truyền tế bào chất)

  • Minh họa di truyền qua nhiễm sắc thể và ngoài nhiễm sắc thể.
Hình 2: Sơ đồ minh hoạ hai phương thức di truyền.

Trong sơ đồ ở hình 2, thì chữ nhật (bên trái) tượng trưng cho một tế bào nhân thực, còn bên phải (hình trứng) tượng trưng cho một tế bào vi khuẩn (nhân sơ). Nét vẽ màu đỏ biểu diễn nhiễm sắc thể hoặc ADN-nhiễm sắc thể, còn các chấm nhỏ màu xanh tượng trưng cho vật chất di truyền nằm ngoài vùng nhân, tức là nằm ở tế bào chất (màu da trời).
Sự truyền "vật màu đỏ" cho đời con là di truyền qua nhân, còn "vật màu xanh" mà được truyền cho con là di truyền ngoài nhiễm sắc thể.